Những điều cần biết khi mang thai 3 tháng đầu
3 tháng đầu là giai đoạn nhạy cảm nhất trong suốt thai kì của phụ nữ mang thai. Mẹ bầu cần đặc biệt chú ý ở giai đoạn này.
Thai ở 3 tháng đầu có lẽ là thời gian quan trọng và nguy hiểm nhất đối với mẹ bầu và thai nhi. Lúc này, sự thay đổi về hormon trong cơ thể là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới hàng loạt các thay đổi của mẹ như ốm nghén, buồn nôn, mệt mỏi.
Ốm nghén là một trong những triệu chứng phổ biến nhất mà mẹ bầu nào cũng thường gặp phải. Thông thường ốm nghén xảy ra từ tuần thứ 9. Tình trạng này có thể biến mất sau tuần thứ 14. Tuy nhiên, ở nhiều chị em ốm nghén kéo dài vài tháng, xảy ra nhiều giờ trong một ngày.
Tình trạng buồn nôn và ốm nghén gây ảnh hưởng tới sức khỏe của cả mẹ và bé. Mẹ bầu không đủ dinh dưỡng để nuôi thai nhi. Để giảm các cơn nghén buồn nôn, mẹ bầu có thể bổ sung thêm qua các bữa ăn hoặc các viên vitamin tổng hợp chứa B6.
Mốc khám thai quan trọng
Khi mang thai, tâm lý mẹ bầu nào cũng rất tò mò và thường xuyên đi siêu âm để có thể theo dõi quá trình phát triển của con. Tuy nhiên theo các bác sĩ chuyên gia khuyến cáo, trong 9 tháng 10 ngày mang thai, mẹ bầu không thể bỏ lỡ thời điểm vàng để chẩn đoán, sàng lọc dị tật ở thai nhi.
Từ tuần thứ 12 – 14 của thai kỳ: Ở thời điểm này, bác sĩ siêu âm có thể cho mẹ biết chính xác tuần tuổi của thai nhi. Và điều quan trọng là việc siêu âm này bác sĩ cũng có thể đo độ mờ da gáy nhằm dự đoán một số bất thường nhiễm sắc thể. Những bất thường này có thể là nguyên nhân gây ra một số bệnh như Down, dị dạng tim.
Mẹ bầu cần bổ sung sắt và acid folic
Trong giai đoạn thai nhi được 3 tháng đầu, mẹ bầu không thể bỏ qua việc bổ sung đầy đủ sắt và acid folic. Đây là 2 vi chất quan trọng nhất trong giai đoạn này.
Theo khuyến cáo của tổ chức y tế thế giới, nhu cầu bổ sung của mẹ bầu là 60mg sắt và 400mcg acid folic. Thiếu sắt gây thiếu máu, con chậm lớn, thiếu cân.
Mẹ bầu có thể tăng cường bổ sung qua các thực phẩm giàu sắt như tim, gan, thịt đỏ, trứng, các loại rau. Ngoài ra để phòng ngừa dị tật ống thần kinh cho trẻ cũng như đủ máu nuôi con, mẹ có thể bổ sung hằng ngày với viên uống sắt và acid folic mỗi ngày.
Thuốc bổ dành cho bà bầu là điều không thể thiếu trong giai đoạn 3 tháng đầu thai kì cho sự phát triển toàn vẹn của thai nhi.
Giai đoạn mẹ cần hoạt động nhẹ nhàng nhất
Để tránh hiện tượng động thai, sảy thai, trong giai đoạn này mẹ bầu cần vận động nhẹ nhàng. Đi bộ nhẹ nhàng, tập yoga mẹ có thể luyện tập hằng ngày. Tránh làm việc nặng, làm việc quá sức vì việc đó có thể gây ra những hậu quả không tốt cho thai nhi.
Những điều cần biết khi mang thai 3 tháng giữa
3 tháng giữa thai kì mẹ cần chú ý những vấn đề sau đây:
Bà bầu là một đối tượng cao có nguy cơ bị nhiễm uốn ván trong quá trình chuyển dạ, sinh nở hoặc lúc em bé bị cắt rốn. Dụng cụ chưa được sát khuẩn sạch và vết thương hở là một trong những nguy cơ gây ra nhiễm trùng cho cả mẹ và con.
Tiêm phòng uốn ván giúp tạo cho cơ thể mẹ bầu tự tạo ra được kháng thể kháng uốn ván. Nó hạn chế tối đa nguy cơ bị mắc cho cả mẹ và con trong quá trình chuyển dạ.
Tiêm bầu uốn ván cho mẹ bầu khá phức tạp vì phải tiêm nhiều lần. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn, mẹ bầu nên tiêm đủ số lần tiêm.
VAT 1: Thời gian để thích hợp bắt đầu tiêm là khi thai kỳ ở tuần thứ 20.
VAT 2: Tiêm sau VAT 1 30 ngày, hoặc tiêm trước khi sinh tối thiểu 30 ngày.
VAT 3: Tiêm sau sinh, cách VAT 2 tối thiểu 6 tháng.
VAT 4: Cách VAT3 tối thiểu 1 năm.
VAT 5: Cách VAT4 tối thiểu 1 năm.
Ở giai đoạn này, nhu cầu vi chất cho bé ngày càng tăng lên. Theo chuẩn khuyến cáo, mỗi ngày mẹ nên bổ sung khoảng 40 – 60 mg sắt, 1200 mg canxi. Ở giai đoạn này, bé cần một lượng lớn các vi chất để lớn lên, xương dài ra và chắc khỏe.
Mốc khám thai quan trọng
Từ tuần 21 – 24 của thai kỳ: Hầu hết các cơ quan bên trong của thai nhi đều được bác sĩ siêu âm kiểm tra để đảm bảo thai nhi phát triển bình thường. Ngoài ra, bác sĩ có thể phát hiện một số bất thường về hình thái của bé như sứt môi, hở hàm ếch, dị dạng các cơ quan nội tạng. Đây là mốc khám thai quan trọng trong giai đoạn 3 tháng giữa mẹ nhất định không được bỏ qua.
Những điều cần biết khi mang thai 3 tháng cuối
Tinh thần và thể trạng mệt mỏi hơn
Vào giai đoạn này, mẹ bắt đầu cảm nhận rõ sự lớn lên của thai nhi từng ngày. Kèm theo đó là hàng loạt các triệu chứng mà mẹ bầu thường gặp phải.
Mẹ bầu thường xuyên thấy đau lưng và tê bì chân tay. Dấu hiệu này cho thấy mẹ đang bị thiếu canxi. Ở giai đoạn này nhu cầu canxi là khá lớn, cần bổ sung cho mẹ khoảng 1500 mg canxi. Vì vậy, ngoài thực đơn cung cấp đầy đủ ăn uống các thức ăn giàu canxi thì mẹ nên bổ sung thêm viên uống mỗi ngày.
Do thai nhi khá lớn nên mẹ đi lại khá khó khăn, mẹ nên vận động nhẹ nhàng, tránh làm việc quá sức. Ngoài ra, việc mát xa hoặc ngâm chân vào mỗi tối trước khi đi ngủ giúp mẹ bầu ngủ ngon hơn, hạn chế được việc mất ngủ thường xuyên.
Trước khi sinh con cần khám những gì?
Em bé trong bụng mẹ lớn lên từng ngày, lúc này mẹ cũng đã tăng cân đáng kể. Việc theo dõi thường xuyên cân nặng nặng và chiều dài của con giúp mẹ điều chỉnh chế độ dinh dưỡng và nạp tinh bột vào cơ thể.
Theo kinh nghiệm rỉ tai nhau của các mẹ, nếu thai nhi bị nhẹ cân so với tiêu chuẩn thì mẹ nên tăng lượng dung nạp tinh bột. Việc điều chỉnh chế độ ăn uống ở giai đoạn này là cực kỳ cần thiết và quan trọng. Cung cấp một lượng lớn ngũ cốc, tinh bột, sữa và phô mai có khả năng giúp thai nhi cải thiện được cân nặng.
Ngoài ra siêu âm theo dõi cân nặng của con, mẹ cũng nên thăm khám để phát hiện được các triệu chứng của tiền sản giật. Với những mẹ mang thai lần đầu thì nguy cơ bị mắc tiền sản giật là cao hơn.
Bổ sung canxi đầy đủ 3 tháng cuối
3 tháng cuối thai kì mẹ cần nhiều lượng canxi gấp đôi. Canxi để xây dựng bộ khung xương toàn vẹn của thai nhi được cứng cáp và dài hơn. Bởi 3 tháng cuối là giai đoạn nước rút cuối cùng cho sự phát triển của thai nhi. Lúc này nếu mẹ không được bổ sung đầy đủ lượng canxi thì canxi sẽ được rút từ xương của mẹ chuyển cho thai nhi. Canxi càng bị mất nhiều, xương của mẹ càng bị loãng nhiều. Đây là lý do vì sao 3 tháng cuối mẹ bầu thường bị đau lưng, chuột rút ngoài nguyên nhân cân nặng thai nhi to lên.
Theo dõi dấu hiệu chuyển dạ
+ Bụng bầu tụt xuống, em bé di chuyển gần tới xương chậu. Lúc này thai nhi ở tư thế sẵn sàng được gặp mẹ.
+ Cổ tử cung mở ra, bác sĩ sẽ thăm khám xem tử cung mở rộng được bao nhiêu, cho thấy dấu hiệu mẹ bầu sắp sinh.
+ Bị chuột rút và đau lưng nhiều hơn. Lúc này các cơ xương khớp vùng xương chậu và tử cung bị kéo căng để chuẩn bị em bé được chào đời.
+ Dịch nhầy âm đạo thay đổi màu sắc và trạng thái kết dính. Vài ngày trước sinh mẹ sẽ cảm thấy dịch nhiều hơn và đặc hơn. Có vài trường hợp còn có lẫn thêm chút máu, đây được gọi là “máu báo”, một tín hiệu tốt cho thấy mẹ sắp chuyển dạ.
+ Các cơn co thắt ngày càng nhiều và liên tục.
+ Vỡ nước ối là một dấu hiệu báo hiệu mẹ chuẩn bị chính thức lâm bồn.
Mẹ cần phải làm gì khi thai quá 40 tuần
Nếu thai nhi quá ngày dự sinh mà mẹ bầu chưa có dấu hiệu chuyển dạ thì bác sĩ có thể đề nghị mẹ theo dõi nhịp tim thai nhi cũng như siêu âm thai. Để đảm bảo em bé vẫn chuyển động bình thường và nhận đủ lượng oxy từ mẹ. Có thể bác sĩ sẽ can thiệp hoặc tư vấn mẹ sử dụng đến thuốc để kích thích sinh.